Lịch sữ hình thành và phát triễn nghành tạo hình thẩm mỹ
1. Từ Pharaoh của Ai Cập đến thời kỳ Phục Hưng
Ngay từ lúc sơ khai, con người đã luôn tích cực theo đuổi sự tự hoàn thiện bản thân. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Phẫu thuật Tạo hình có thể là một trong những nghệ thuật chữa bệnh cổ xưa nhất.
Trong cuốn Edwin Smith Surgical Papyrus cổ xưa (1600 trước CN), những bác sĩ phẫu thuật của Pharaoh tại Ai Cập đã quan tâm về tính thẩm mỹ của thủ thuật họ làm. Cuốn sách papyrus này được cho là một bản sao của một tác phẩm cổ hơn nữa từ 3000 trước CN. Những người Ai Cập đã cẩn thận khâu mép những vết thương vùng mặt. Ngay cả gãy xương mũi cũng đã được xử trí bằng cách ép chúng trở lại vị trí cũ bằng “hai nút vải thấm với mỡ” và đặt vào lổ mũi.
Sushruta Samhita , bác sĩ Ấn độ nổi tiếng vào TK thứ 8 trước CN, đã gây ngạc nhiên cho hậu thế khi viết sách phẫu thuật, đặt ra những nền móng cơ bản của Phẫu thuật Tạo hình như chủ trương áp dụng vật lý trị liệu phù hợp trước phẫu thuật và miêu tả những phẫu thuật: (1) bóc tách da để che phủ nhưng mất chất nhỏ, (2) xoay vạt da để bù cho mất da một phần, (3) tạo vạt da có cuống để che vùng bị mất da hoàn toàn… Sushruta phân phẫu thuật ra làm 8 loại, miêu tả trên 120 loại dụng cụ phẫu thuật và hơn 300 thủ thuật khác nhau, bao gồm tạo hình mũi và tai. Ông chú ý đến cả tạo hình môi.
Tóm lại, tất cả các nguyên tắc của Phẫu thuật Tạo hình như độ chính xác, tinh tế, cách cầm máu và tính cầu toàn của phẫu thuật đều được viết kỹ lưỡng trong các bài viết của Sushruta.
Trong khi tại Đông phương, Phẫu thuật Tạo hình phát triển dễ dàng hơn và có nhiều tài liệu ghi nhận về các phẫu thuật ghép da và chỉnh sửa thì tại các nước Châu Âu, Phẫu thuật Tạo hình tiến triển một cách chậm chạp.
Những người La mã xưa đã có thể thực hiện những kỹ thuật đơn giản như sửa chữa tai bị thương trong khoảng thế kỷ thứ 1 trước CN. Nhưng vì lý do tôn giáo, tòa thánh không chấp thuận phẫu thuật trên cơ thể con người và động vật, do đó kiến thức của họ phụ thuộc hoàn toàn vào những ghi chép của người Hy Lạp xưa.
Tuy vậy, cũng có vài tiến bộ về y khoa trong giai đoạn Hy Lạp – La Mã. Aulus Cornelius Celsus, một trong những nhà bác học xuất sắc nhất thời La Mã, viết cuốn “De Medicina” nổi tiếng, đã để lại những mô tả giải phẫu chính xác đến ngạc nhiên, và một vài những mô tả này – ví dụ về cơ quan sinh dục và bộ xương – có tầm quan trọng đặc biệt cho sự phát triển của Phẫu thuật Tạo hình. Ông cũng đưa ra những phương pháp phẫu thuật tái tạo môi, tai và mũi, nhấn mạnh tầm quan trọng của đường khâu đẹp.
Tại Trung Quốc, giống như Pharaoh của Ai Cập, đã có những ghi chép xa xưa như “Những lời sấm từ xương, (Bone oracles)” (thế kỷ 14 trước CN), trong đó đề cập những bệnh lý của mũi. Bian Que, (thế kỷ 5 trước CN), đã viết về cách ông điều trị tai và mắt cho bệnh nhân. Tương tự thầy thuốc Trung Hoa Hứa Tô (150 – 208 sau CN) ghi lại cách điều trị tai và mắt. Phong tục cấm mổ xẻ cơ thể con người của Trung Quốc đã hạn chế các can thiệp ngoại khoa.
Thầy thuốc Paulos of Aegina thời Alexandria (Ai Cập) đã phát triển một thủ thuật để cắt vú cho nam giới. Tên chuyên môn là chứng nữ hóa tuyến vú ở nam (gynecomastia) và những thủ thuật như thế cơ bản vẫn được dùng cho đến ngày nay.
Hút mỡ trị béo phì cũng không phải là mới có. Pliny the Elder (năm 23/24 – 79 sau CN) đã miêu tả “một phương pháp chữa béo phì quả cảm” trong một phẫu thuật trên con trai của quan chấp chính.
Vào năm 1190 một bác sĩ phẫu thuật đã mở ổ bụng của bá tước Dedo Vvon Rochlitz Groitzsch để lấy mỡ thừa.
Trong suốt thời Trung cổ, mặc dù Phẫu thuật Tạo hình vẫn tiếp tục được thực hiện nhưng bị khựng lại vì sự sụp đổ của đế chế La Mã và sự thống trị của Thiên chúa giáo. Nhìn chung thì trong thời kỳ này khoa học lùi bước trước học thuyết huyền bí và tôn giáo. Đã có lúc giáo hoàng Innocent III tuyên bố ngăn cấm bất cứ phẫu thuật dạng nào vì vi phạm luật Nhà thờ.
Sự tìm tòi kiến thức khoa học cũng bị thay thế bởi những mối quan tâm về cá nhân và tinh thần.
2. Sự bùng phát của bệnh giang mai vào thế kỷ 16
Sự phát triển của Phẫu thuật Tạo hình vào cuối thế kỷ 16 có căn nguyên từ sự bùng phát thành dịch của bệnh giang mai. Giang mai và di chứng xuất hiện cuối thế kỷ 15 khi du nhập vào Châu Âu từ Châu Mỹ. Vai trò của ngành y khoa mới – phẫu thuật tạo hình – là để chỉnh lại mũi biến dạng do giang mai.
Một nhà lịch sử học người Đức và là bác sĩ về phẫu thuật tạo hình, Otto Hildebrand (1858 – 1927), ghi nhận mối quan hệ mật thiết giữa những quan niệm mới thời Phục hưng, sự bùng phát của bệnh giang mai gây ra những biến dạng cơ thể, và sự phát triển của Phẫu thuật Tạo hình.
3. Ca tạo hình mũi đầu tiên được ghi nhận và minh họa năm 1597
Phẫu thuật chỉnh sửa vốn là một bí mật độc quyền và được truyền từ cha cho con. Heinrich Von Pfalzpaint (sanh sau 1400 – mất trước 1465), miêu tả lại cách dùng vạt da ở tay làm miếng ghép để sửa mũi từ những năm 1460.
Gia đình Branca trong thế kỷ 15 tại Sicily, Ý đã làm phẫu thuật tương tự. Người cha dùng một vạt da lấy từ má để tái tạo mũi, còn người con, A Branca, dùng vạt da từ cánh tay, do đó không để lại sẹo trên mặt.
Tuy nhiên, cho tới thời Phục Hưng tại Ý và với công việc của Gaspare Tagliacozzi (1545 – 1599), giáo sư tại ĐH Bologna, thì việc tạo hình mũi mới thành chính thống. Ông phát triển một phương cách tạo lại phần mũi bị mất để cứu chữa cho những bệnh nhân đang phát bệnh vì buồn khổ.
Năm 1597, Tagliacozzi lần đầu tiên phổ biến cuốn sách “De curtorum chirurgia per insitionem” (The surgery of defects by implantation – phẫu thuật khuyết tật bằng phương pháp cấy ghép) viết về cách dùng vạt ghép có cuống để tái tạo mũi bị mất do giang mai hay chấn thương. Giống như Branca, ông dùng da từ cánh tay, cắt hai đường song song trên cơ nhị đầu, sau đó tách da giữa hai đường cắt và để gạc dưới lớp da này. Ông giữ vết cắt trong 4 ngày và sau đó băng vết thương hàng ngày để thúc đẩy sẹo hình thành dưới lớp da tách. Ngày thứ 14 ông cắt vạt da tại một đầu. Hai tuần sau ông làm tươi da gốc mũi và ghép vạt da còn cuống lên trên mũi đồng thời cố định cánh tay bằng cách treo tay chéo. 20 ngày sau ông cắt vạt da tự do trên cánh tay và 2 tuần sau đó gắn da mũi mới vào môi trên bắt đầu tạo hình thẩm mỹ mũi. Sau ít nhất là 6 lần phẫu thuật và kéo dài hơn 1 tháng, chiếc mũi thô đã định hình. Nguy cơ nhiễm trùng cao và BN phải chịu đau khủng khiếp.
Chính từ đây, nguồn gốc của Phẫu thuật Tạo hình, Tagliacozzi đã ghi nhận rằng phẫu thuật tái tạo (phục hồi chức năng) và phẫu thuật thẫm mỹ (làm cho đẹp hơn) có liên quan mật thiết, không thể tách rời. Rõ ràng là bệnh nhân không có mũi vẫn sống được nhưng đều buồn khổ, và việc tái tạo mũi sẽ làm bệnh nhân hạnh phúc hơn và do đó khỏe mạnh hơn.
4. Kỹ thuật tái tạo mũi Ấn độ được biết đến ở Anh năm 1794
Một thời, nhà thờ Công giáo không thích bệnh nhân có thể nhờ phẫu thuật để sửa chữa sẹo và các khuyết tật gây ra do giang mai. Những phương pháp của Tagliacozzi bị làm ngơ vì chúng thể hiện sự can thiệp của con người vào sự trừng phạt của thần thánh (biến chứng giang mai là do thần thánh trừng phạt những người xấu).
Chỉ tới năm 1794, khi Anh quốc thiết lập thuộc địa tại Ấn Độ thì chi tiết về một ca tái tạo mũi đã lần đầu tiên được xuất bản tại Phương Tây, khi mà những phương pháp của Tagliacozzi đã trở thành giai thoại văn chương. Trên tạp chí Gentlemen’s Magazine, London, bài báo có thể được viết bởi nhà phẫu thuật Anh Coly Lyon Lucas – ghi lại một thủ thuật “rất kỳ lạ, chưa từng biết đến tại Châu Âu”, đó là dùng vạt da từ trán để tái tạo mũi.
Bệnh nhân, một người Ấn Độ đang phục vụ trong quân đội Anh, bị phiến quân bắt, cắt mũi và 1 bàn tay. 12 tháng sau, Cowasjee, mất một tay và chiếc mũi, trở lại phục vụ quân đội Anh tại Bombay. Anh ta tìm đến một thành viên của “Brick maker caste” để làm lại mũi. Trước hết miếng da trên trán được cắt theo một khuôn bằng sáp. Sau đó da trên mũi còn lại được bào mòn (làm tươi) và vạt da trên trán được lật xuống, xoay, khâu tạo nên chiếc mũi. Sau 25 ngày, phần cuống da dính tại gốc mũi được cắt và Cowasjee có chiếc mũi mới.
Phương pháp này, so với kỹ thuật vạt da cánh tay của Tagliacozzi, có ưu điểm là bệnh nhân không phải nẹp treo tay quá lâu, nhưng lại để lại một sẹo dài trên trán. Chân dung của Cowasjee được James Wales vẽ lại để minh họa cho thấy một vết sẹo rất mờ và một chiếc mũi trông bình thường. Phẫu thuật viên người Đức Eduard Zeis (1807 – 1868), năm 1838 cho rằng sự phát triển của kỹ thuật tái tạo mũi của y khoa Ấn Độ là từ phong tục cắt mũi và tai để trừng phạt tội trộm cắp, đào ngũ, và đặt biệt là thông dâm.
Tại Châu Âu những tục lệ ghê rợn kia không hề có và do đó kỹ thuật sửa mũi phát triển chậm hơn.
Nàng công chúa và chiếc mũi vàng
Nên nhớ rằng thời đó, tất cả phẫu thuật loại này đều làm bệnh nhân đau đớn kéo dài và có nguy cơ nhiễm trùng cao. Động lực để bệnh nhân quyết định làm phẫu thuật là sự lo lắng về tiếng xấu và giảm chức năng mũi do biến chứng giang mai.
Vào đầu thế kỷ 19, bác sĩ Von Klein, trên tạp chí y khoa Heidelberg đã kể lại một câu truyện đầy đau đớn, nguy hiểm đến não lòng. Bệnh nhân là một công chúa gần 20 tuổi và có một cái mũi hình yên ngựa do di chứng giang mai bẩm sinh). Vị công chúa đề nghị bác sĩ làm mũi cao và thẳng hơn bằng cách cấy một sống mũi bằng vàng. Sống mũi phải được đặt dưới da mũi và có thể có sẹo. Do đó cô đề nghị làm thử trên một số bệnh nhân nghèo để xem có nhiễm trùng và sẹo quá xấu không? Bác sĩ Von Klein thực hiện phẫu thuật trên một người nghèo tình nguyện với điều kiện là tặng anh ta luôn chiếc mũi vàng. Kết quả sau mổ đáng ngạc nhiên: không nhiễm trùng và sẹo rất nhỏ. Nhưng bệnh nhân đầu tiên, nàng công chúa, đã quá khiếp sợ khi được làm phẫu thuật mà không có thuốc mê hay tê. Cô bỏ chạy khỏi cuộc mổ với chiếc ghế đang buộc chặt trên người.
5. Cha đẻ của phẫu thuật tạo hình: Johann Friedrich Dieffenbach
Vào khoảng giữa thế kỷ 19, kỹ thuật của Phẫu thuật Tạo hình hiện đại đã khá phát triển trong mục đích cố gắng tạo hình khuôn mặt và cơ thể.
Nhà phẫu thuật người Đức Johann Friedrich Dieffenbach (1792-1847) – nhân vật nổi tiếng của phẫu thuật vùng mặt thế kỷ 19 – đi tiên phong trong thủ thuật mà Klein đã làm. Dieffenbach sửa và tạo lại những bộ phận cơ thể bị mất trong đó mũi là trọng tâm. Ông đã hoàn thiện đường mổ trên da mũi và sống mũi bằng vàng để nâng mũi thấp; thu nhỏ mũi quá to. Dieffenbach đề nghị chỉnh sửa lại toàn bộ mũi để phục hồi cả chức năng và làm khuôn mặt trông bình thường.
Nên nhớ tất cả những phẫu thuật trên diễn ra khi chưa có khử trùng và gây mê. Một số phẫu thuật đã thành công dù là lúc đó các bệnh nhân thường tử vong do nhiễm trùng sau mổ.
Trong một ca của Jacques Lisfranc (1790 -1847) năm 1828, khi miếng ghép da từ trán được dùng tạo hình cho mũi giang mai, BN chết do nhiễm trùng vào ngày thứ 13.
Các phẫu thuật được làm thật nhanh trong những điều kiện kinh khủng của đầu thế kỷ 19, và có nguy cơ cao cho thể xác và tâm lý. Chính vì sự sỉ nhục dữ dội của xã hội dành cho những khuôn mặt không có mũi mà những bệnh nhân trên sẵn sàng chấp nhận rủi ro của phẫu thuật để có chiếc mũi gần giống bình thường.
Xu hướng chung của Phẫu thuật Tạo Hình Thẩm mỹ: chuyển từ tạo hình những hậu quả kinh khủng của nhiễm trùng (giang mai) sang thủ thuật để che đậy tính sắc tộc rồi đến chống lão hóa và tiến tới chuyển đổi giới tính. Quá trình phát triển này xảy ra trong 40 năm và là do nhu cầu của bệnh nhân cùng sự phát triển của kỹ thuật ngoại khoa.
6. Ca thu nhỏ vú đầu tiên ( 1896):
Năm 1896 JW Chambers tại Baltimore cắt đi 25 pounds (11.5 kg) từ ngực xệ to (large, flabby and pendulous breasts) của bệnh nhân nữ nặng 285 pounds (khoảng 128 kg).
7. Ca Phẫu thuật Thẩm mỹ vùng bụng đầu tiên năm 1899
Phẫu thuật cắt da bụng thừa hay cắt da và mỡ ở lớp cân bụng để làm giảm béo phì được phát triển bởi Howard A Kelly (1858 – 1943) tại Baltimore.
Ngày 15/05/1899 ông đã tiếp tục cắt lớp da thừa ở bụng (pendulous abdomen) nặng 14.9 pounds (khoảng 6.7 kg) trên bệnh nhân nữ đã được mổ ngực bởi Chambers. Miếng da cắt dài 90 cm, rộng 31 cm và dày 7 cm và theo phẫu thuật viên thì “lớn hơn toàn bộ bụng của một phụ nữ bình thường”.
8. Phẫu thuật che giấu chủng tộc
Phẫu thuật vùng bụng đầu tiên của Phẫu thuật Thẩm mỹ được thực hiện trên cơ thể của một phụ nữ Do Thái. Điểm đặc trưng của phụ nữ Do Thái lúc đó là nặng ký (heavy set). Hình ảnh phình nở của cơ thể phụ nữ Do Thái đã được nhắc nhiều vào cuối thế kỷ. Hugo Obermaier (1877 – 1946) nhà khảo cổ học Đức, người đã khám phá ra bức tượng người nguyên thủy và đặt tên “Venus of Willendorf”- đã ghi vào nhật ký: “Nó không có khuôn mặt, chỉ có nhiều mỡ và thể hiện nữ tính, thịnh vượng, sinh sản; giống như những người Do Thái lười biếng, hư hỏng ngày nay”.
Albert Wiggam, nhà khoa học Mỹ theo thuyết ưu sinh (eugenism, thuyết kiểm soát sinh sản để duy trì những thuộc tính tốt cho quần thể) than phiền rằng Mỹ đang bị xâm lược bởi những phụ nữ xấu xí có hông to, bụng xệ, chân ngắn mập, bàn chân to và những khuôn mặt vô cảm và không đẹp. Wiggam cũng nhấn mạnh là “những người có vẻ ngoài đẹp thì thường tốt hơn, đạo đức hơn là những người xấu”.
Những quan niệm đó chính là động lực sâu xa thúc đẩy những phụ nữ mập tìm đến phẫu thuật và giúp phẫu thuật phát triển.
9. Ca căng da mặt đầu tiên năm 1901
Sau khi sang thế kỷ mới, những cải tiến của Phẫu thuật Thẩm mỹ tập trung vào sự lão hóa của khuôn mặt.
Ghi chép sớm nhất của Phẫu thuật Thẩm mỹ chống lão hóa là vào thập niên đầu tiên của thế kỷ 20. Vào năm 1901, bác sĩ phẫu thuật người Đức và đồng thời là nhà lịch sử học văn hóa Eugen Hollander (1867 – 1932) đã căng da mặt cho một quí tộc Ba Lan.
Sự thuật lại của Hollander rất quan trọng để hiểu thêm vai trò của bệnh nhân trong việc điều trị bởi bác sĩ Phẫu thuật Thẩm mỹ. Người phụ nữ đến gặp bác sĩ và có những yêu cầu đặc biệt. Cô ta mang theo một tấm hình tự vẽ để minh họa cho bác sĩ phẫu thuật biết: nếu da mặt được cắt trước tai thì rãnh mũi má và khóe miệng sẽ căng hơn! Mới đầu thì Hollander không muốn làm theo, nhưng sau đó thì bị thuyết phục. Ông cắt bỏ vùng da quanh đường chân tóc và sau tai và sửa chữa ít nửa trên mặt. Ông không hài lòng lắm nhưng bệnh nhân thì hạnh phúc hơn nhiều.
Năm 1906 nhà phẫu thuật người Đức Erich Lexer (1867 – 1937) cũng làm thủ thuật tương tự trên một diễn viên. BN này kéo da mặt bằng cách dán băng keo trên trán vào buổi tối và kéo nó căng vòng qua đỉnh đầu bằng dây thun. Cách này làm cho da bị căng ra, tạo một mẫu cho những thủ thuật chỉnh sửa. Lexer cắt những đường rạch hình chữ S tại thái dương, sau tai, và đường chân tóc. Theo Lexer, kết quả là thành công.
10. Ca phẫu thuật mi mắt đầu tiên năm 1906
Tại Chicago, Charles Conrad Miller (1880 -1950) vào năm 1906 đã phát triển thủ thuật cắt “các nếp gấp ở mi”.
Thủ thuật tương tự như vậy đã có từ sớm lúc thời Aulus Cornelius Celsus, nhưng mục đích là để tái tạo mi mắt bị mất (giống như không có mũi, mất mi mắt cũng bị xem là một trừng phạt); hay là để cắt bớt da thừa (palpebrae laxioris), vì nếp gấp da được cho là làm giảm thị lực.
Có nhiều phương pháp tái tạo mi trên và mi dưới được phát triển sau đó, nhưng thủ thuật của Miller năm 1906 đã được công nhận là để làm đẹp có ý thức.
Miller được cho là có công phát triển phương pháp căng da mặt đầu tiên và nhiều bác sĩ phẫu thuật khác đã làm theo. Sự nghiệp của Miller cũng điển hình cho nhiều bác sĩ Phẫu thuật Thẩm mỹ thời kỳ này. Bị bệnh nhân và thân nhân liên tục quấy rối khi thủ thuật không mang lại kết quả mong muốn, ông bỏ nghề PTTM và chuyển sang ngoại tổng quát. Ông nhận định “trị bệnh tật mang lại cảm giác thỏa mãn hơn là chữa lòng tự cao tự đại không có cơ sở”.
11. Ca cấy mỡ đầu tiên vào những năm 1920
Căng da mặt đã trở thành phẫu thuật ngoại khoa tiêu chuẩn để thay đổi bề mặt khuôn mặt bằng cách làm căng da. Kế tiếp là thủ thuật cấy mỡ. Charles Willi, ở London, đã viết: “Một phụ nữ bước vào phòng với nếp nhăn trán hằn sâu. Một vài phút sau khi trở ra, vết nhăn trán đã biến mất vĩnh viễn; một cô khác với 2 rãnh mũi má sâu như bị dao cắt, một cô với những nếp nhăn của tuổi già, và khi bước ra các cô trở thành phụ nữ trẻ hơn có khuôn mặt trơn láng. Đây là một phương pháp trẻ hóa tức thì và ít đau đớn. Cũng không thể phát hiện ra bàn tay con người chứ không phải Tạo hóa đã làm nên sự biến đổi đó”.
Sẹo là mối âu lo lớn trong Phẫu thuật Thẩm mỹ. Vì chính những thủ thuật không sẹo mới làm vẻ ngoài của bệnh nhân dễ được chấp nhận. Đó là điểm ưu việt của phương pháp cấy mỡ.
12. Những cuộc phẫu thuật chuyển đổi giới tính vào những năm 1920
Sau Thế chiến thứ 1, ở Đức, điểm nóng của phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ chuyển từ che dấu sự lão hóa và đặc tính sắc tộc sang thay đổi giới tính.
Vào những năm 1920, tại Viện khoa học về tình dục ở Berlin của Magnus Hirschfeld (1868 – 1935), một loạt các can thiệp ngoại khoa đã được thực hiện bởi Ludwig Levy Lenz (1889 – 1935) và Felix Abraham (1901 – 1938). Họ biến cơ quan sinh dục nam thành cơ quan sinh dục ngoài của nữ (và dĩ nhiên là không thể sinh sản).
Cái quan trọng trong những phẫu thuật trên là sự tạo ra hình dạng của cơ quan sinh dục nữ hấp dẫn để vẫn có thể kích thích tình dục được.
Richard Muhsam (1872 – 1939), Vào những năm 1920 và 1930, việc cắt bộ phận sinh dục được hiểu là phục vụ cho mục đích y khoa, ví dụ như để điều trị bệnh loạn thần kinh, lệch lạc tình dục, tội phạm tình dục, bất thường về tình dục và ngay cả bệnh lao.
Năm 1920, bệnh nhân đầu tiên của Muhsam, một anh sinh viên 23 tuổi, là sĩ quan trong Thế chiến thứ 1, tới yêu cầu ông cắt bộ phận sinh dục. Trước công chúng, bệnh nhân mặc áo ngực, vớ đàn bà và mang giày cao gót. Bệnh nhân muốn cắt bộ phận sinh dục và chuyển đổi giới tính. “ Ngay cả với trí tưởng tượng mạnh nhất cũng không hình dung ra những cảm giác, ước mong và mộng tưởng mà những người lệch lạc tình dục do rối loạn thần kinh như bệnh nhân này có thể mãnh liệt như vậy.
Vào ngày 21 tháng 6, 1921, bệnh nhân được phẫu thuật cắt bộ phận sinh dục và ghép một buồng trứng mục đích là để tạo hormone. Sau khi phẫu thuật, ngực bệnh nhân phát triển và có giọng nói giống phụ nữ. Thanh quản được khám và cho thấy “cấu trúc thanh quản phụ nữ”!!!
Muhsam không muốn thực hiện cắt dương vật nên ông tạo ra một âm đạo giả và đặt dương vật BN trong đó, để mà nó vẫn có thể kích thích tình dục.
Một thời gian sau, bệnh nhân quay lại và yêu cần phục hồi lại chức năng dương vật vì anh ta có cô bạn mới. Sau khi làm xong, anh ta tiếp tục hoàn thành chương trình y khoa. Anh thông báo với bác sĩ rằng “Sức khỏe tôi tốt. Tôi hạnh phúc với bản thân và hài lòng với công việc”.
Những tiến bộ bắt nguồn từ chiến tranh
Tuy nhiên sự bùng nổ của PTTH chỉ bắt đầu trong thế kỷ 20, khi mà các bác sỹ quân y trở thành những người tiên phong và có nhiều kinh nghiệm trong việc phẫu thuật chữa các vết thương hỏa khí rùng rợn trong chiến tranh.
Có thể nói Thế Chiến thứ 1 đã nâng Phẫu thuật Tạo hình lên tầm cao mới. Các bác sỹ quân y buộc phải điều trị cho nhiều vết thương lớn vùng đầu mặt do vũ khí hiện đại gây ra, và có những tổn thương tàn phá họ hiếm khi thấy. Phạm vi tái tạo không còn dừng lại ở mặt, mà liên quan tới chi thể và vùng thân. Những tổn thương nặng nề đã tạo tiền đề cho những cải cách mới táo bạo trong phẫu thuật tái tạo.
Nhiều bác sĩ phẫu thuật giỏi nhất Châu Âu đã chuyển hẳn sang ngành tái tạo phục hồi cho các binh sĩ trong và sau chiến tranh.
Sự phát triển của phẫu thuật tạo hình thời kỳ này cũng được giúp đỡ rất nhiều với sự hiểu biết về gây mê và chống nhiễm khuẩn. Phẫu thuật viên bắt đầu có thể thực hiện những thủ thuật phức tạp và đa dạng. Những thủ thuật này bao gồm cả những điều trị đơn thuần chỉ vì “làm đẹp thêm” chứ không do khuyết tật, ví dụ như ca tạo hình mũi và nâng ngực đầu tiên.
Các bệnh lý bẩm sinh cũng dần trở thành đối tượng nghiên cứu của các nhà phẫu thuật tạo hình. Các nước Mỹ, Pháp, Anh, Nga trở thành những nơi tập trung của các nhà phẫu thuật tạo hình, tại đó các kỹ thuật tạo hình được áp dụng và hoàn thiện.
Các phẫu thuật viên hàm mặt là những người tiếp cận đầu tiên với kỹ thuật tạo hình, sau đó một số phẫu thuật viên thuộc chuyên khoa khác như sản, chấn thương, tai mũi họng, mắt… cũng dần dần áp dụng kỹ thuật tạo hình trong chính chuyên khoa của mình
Cũng trong giai đoạn này tại Mỹ, chuyên ngành Phẫu thuật tạo hình phát triển mạnh mẽ. Một trong những người sáng lập ra chuyên khoa này, BS Vilray Blair, với những kinh nghiệm đa dạng trong điều trị tổn thương phức tạp vùng đầu cổ cho thương binh Thế Chiến thứ nhất, đã có những bài viết về phẫu thuật tái tạo vùng mặt, và những bài này đã trở thành tiêu chuẩn cho tạo hình vùng đầu mặt.
Năm 1946 ấn bản đầu tiên của Journal of Plastic and Reconstructive Surgery (tạp chí phẫu thuật tạo hình) được xuất bản và tạp chí này đã trở thành diễn đàn cho việc truyền bá kiến thức và những khám phá quan trọng về phẫu thuật tạo hình.
Đây là thời gian mà công chúng bắt đầu nhận ra tiềm năng và ảnh hưởng của dáng vẻ bề ngoài lên mức độ thành công của một người trong cuộc đời.
Với nhận thức này, Phẫu thuật Thẩm mỹ có chỗ đứng vững chắc và trở thành một phân môn quan trọng của Phẫu thuật Tạo hình..
Một trong những bác sĩ Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ uyên bác thời Thế chiến thứ 1, Frederick Strange Kolle (1871 -1929) có nhận định: Cần phân biệt giữa phẫu thuật mũi cho “những biến dạng do chấn thương, các khuyết hổng sau trị ung thư hay các bệnh lý gây tàn phá”, với “những chỉnh sửa đơn thuần vì mục tiêu cải thiện hình thái bị dị dạng, chưa được bình thường, chưa đẹp do di truyền hay do nguyên nhân khác. Ông tiếp tục “Phẫu thuật Thẩm mỹ cần được sự quý mến thông thường nên có, những kết quả mà các bác sĩ của chuyên khoa đầy tính nghệ thuật này đạt được là những thứ đáng mơ ước và đã đóng góp vào sự thoải mái và hạnh phúc của bệnh nhân ”.
Quan niệm của Kolle về Phẫu thuật Thẩm mỹ được tiếp tục trong đoạn trích nổi tiếng của bác sĩ phẫu thuật Harold Delf Gillies (1882 – 1960), người đã hiểu “phẫu thuật tạo hình là cố gắng trở về bình thường, Phẫu thuật Thẩm mỹ là cố gắng vượt qua bình thường”.
Những tiến bộ của công nghiệp hóa chất trong những năm 1950 – 1960 đã hình thành một hướng nghiên cứu mới – đó là sủ dụng các chất liệu thay thế trong phẫu thuật tạo hình.
Sự bùng nổ của kỹ thuật vi phẫu mạch máu – thần kinh trong những năm 1960 đã tạo cho phẫu thuật tạo hình một bước ngoặt quan trọng. Việc nối lại các phần chi thể bị đứt rời khỏi cơ thể, rồi đến hàng loạt các vạt tổ chức có cuống mạch nuôi được phát hiện cùng với việc chuyển và nối ghép các vạt này tự thân đã mang lại cho phẫu thuật viên một tầm hoạt động rộng lớn và đã thực sự thay đổi bộ mặt của chuyên ngành Phẫu thuật tạo hình trên thế giới.
Trong những năm 1980, kỹ thuật giãn tổ chức ra đời và đã đóng góp quan trọng cho Phẫu thuật tạo hình hiện đại, đó là khả năng của con người có thể tái tạo ra một chất liệu tạo hình tối ưu ngay trên cơ thể mình.
Cùng với số lượng phẫu thuật viên tạo hình ngày càng tăng, sự đa dạng của các chất liệu được sử dụng trên lâm sàng, khả năng linh hoạt của các kỹ thuật tạo hình phức tạp là nét đặc trưng của phẫu thuật tạo hình hiện đại.
Trong ngành Phẫu thuật Thẩm mỹ, phương pháp làm to ngực bằng túi độn ngực phát triển không ngừng từ những năm 1950.
Khi việc làm nhỏ kích thước ngực vào những năm 1880 là một phần của nền văn hóa làm giảm yếu tố sắc tộc trên cơ thể và tạo ra một Người phụ nữ mới; thì xu hướng ngược lại là làm to ngực vào những năm 1940 – 1950 lại rất thịnh hành. Điều chỉnh ngực nhỏ đã trở nên thu hút khi mà sự đam mê về vẻ đẹp của cơ thể thể hiện trong những con số lớn” (kích thước to). Ngực nhỏ đã trở thành vấn đề y khoa. Ngày nay số phụ nữ cảm thấy rằng ngực họ nhỏ nhiều hơn nhóm cho rằng ngực họ quá lớn.
Từ silicone lỏng, đến Ivalon (1949), Polistan (1959), Etheron (1960) Hydron (1061)… các chất chích thẳng vào mô vú đều đem lại thất vọng não nề cho bệnh nhân và bác sĩ.
Túi độn ngực có vỏ bao làm bằng silicone elastomer chứa hoặc nước muối sinh lý hoặc gel silicone, được 2 bác sĩ phẫu thuật ở Houston Thomas Cronin và Frank Gerow nghĩ ra năm 1960, đã trở thành cứu tinh cho ước vọng làm to ngực của nhân loại.
Để đối phó với những biến chứng khá trầm trọng xảy ra khi đặt túi, những cải tiến liên tục và bền bỉ đã được thực hiện trên thành phần cấu tạo của vỏ bao, chất gel trong túi cũng như kỹ thuật đặt túi. Gần đây nhất, nhiều năm bị cấm sử dụng, túi ngực chứa gel silicone định hình đã được FDA cho phép sủ dụng trên người trong mục đích thẩm mỹ từ năm 2007.
Đến phẫu thuật hút mỡ từ những năm 1970
Hút mỡ trị béo phì có từ thế kỷ thứ 1, thực hiện bởi Pliny the Elder (23/24 – 79 sau CN) như là “một phương pháp chữa béo phì quả cảm” trong một phẫu thuật cho con trai của quan chấp chính Apronius. Nhưng sau đó thì dường như bị lãng quên. Năm 1889 Howard Kelly thông báo kỹ thuật cắt mỡ và da ở bụng và đùi và được xem là người đề xướng phương pháp này. Cho tới những năm 1970 thì phương pháp thông dụng để lấy mỡ từ mông, bụng, đùi là “cắt khối mỡ với cắt da thừa”. Kết quả là một cơ thể gọn hơn, nhưng lại có những sẹo rõ và thường là mỡ vẫn tiếp tục tụ lại.
Sang năm 1970, phương pháp hút mỡ, được phát triển và hoàn thiện để có thể làm thon gọn thân thể mà không để lại sẹo. Phương pháp hút mỡ hiện đại, dùng dụng cụ đầu tù để tạo đường hầm và né các mạch máu khi hút, cùng với việc chích một lượng lớn thuốc tê và adrenaline pha loãng (dung dịch Klein), được phát triển bởi Yves Gerald Illouz, Fournier tại Pháp năm 1977 và được truyền bá sang Mỹ năm 1981. Hút mỡ nhanh chóng trở thành phương pháp phổ biến, an toàn và hiệu quả để tạo dáng cơ thể. Từ ngữ “điêu khắc mỡ” được dùng để nói lên sự tinh tế của kỹ thuật hút mỡ hiên đại, có thể thực hiện những sửa chữa tế nhị ở vùng cánh tay, bắp chân, làm trẻ hóa khuôn mặt ở má, cằm, nếp mũi môi…
Nhiều công nghệ mới được ứng dụng vào trong kỹ thuật hút mỡ như: máy rung, siêu âm, LASER… nhưng phương pháp cổ điển vẫn còn thông dụng.
Phẫu thuật tạo hình hiện đại
Ngày nay, những tiến bộ của ngành Phẫu thuật Tạo Hình đã cho phép phẫu thuật viên sửa chữa, thay thế rất hiệu quả hình thái từng bộ phận trên cơ thể con người.
Tháng 12 năm 2005, ca ghép mặt đầu tiên trên thế giới đã được nhóm phẫu thuật viên người Pháp thực hiện tại Amiens, nước Pháp. Để thực hiện thành công ghép mặt, cần có sự kết hợp của nhiều kỹ thuật hiện đại khác nhau, của nhiều chuyên khoa khác nhau.
Năm 2006, các phẫu thuật viên Trung Quốc thực hiện thành công ca ghép mặt và dương vật. Đây là một bước nhảy quan trọng của chuyên ngành phẫu thuật tạo hình và mở ra một hướng nghiên cứu mới, ghép vạt mô phức hợp đồng loại.
Kỹ thuật nhân bản vô tính đã đạt nhiều thành công vượt bậc. Trong thực nghiệm, trên loài vật, đã tạo được những cá thể khỏe mạnh từ tế bào mầm.
Trên người, việc nhân bản vô tính chưa được công nhận đã buộc các nhà nghiên cứu không thể trông chờ vào việc có được nhanh chóng các bộ phận ghép có cùng cấu trúc gen của người bệnh. Việc này thúc đẩy sự tiến bộ của công nghệ sản xuất các vật liệu tạo hình đồng loại, nhất là các chất liệu nhân tạo tương hợp sinh học. Đây là cơ sở để chuyên ngành Phẫu thuật Tạo Hình Thẩm mỹ hiện đại phát triển.
Những công bố gần đây về tế bào gốc cho thấy một triển vọng rất lớn trong điều trị nhờ vào khả năng tái sinh thành mọi loại tế bào chức năng khác của cơ thể của tế bào gốc.
Trong ngành Phẫu thuật Thẩm mỹ, việc ly trích, làm tăng số lượng và sử dụng được tế bào gốc trong mô mỡ có giá trị lớn. Mô mỡ giàu tế bào gốc được xem như là một chất làm đầy có số lượng lớn, an toàn cao. Nhất là có thể làm tươi trẻ hơn vùng da quanh tế bào được cấy nên phương pháp này đang ngày càng có chỉ định rộng rãi.
Hiện nay, khuynh hướng của phẫu thuật thẩm mỹ phát triển thêm nhiều loại hình phẫu thuật, thủ thuật ít xâm lấn như phẫu thuật nội soi, ứng dụng công nghệ mới như LASER, RF, IPL… chích các loại fillers để làm đầy, trẻ hóa. Bên cạnh đó, sử dụng Botulinum toxin trong thẩm mỹ là một hiện tượng với con số các mũi tiêm ước lượng lên đến trên 1 triệu mũi mỗi năm.
Chống lão hóa đã phát triển thành một chuyên ngành lớn bao gồm nhiều lĩnh vực: dinh dưỡng, thẩm mỹ nội khoa, nội tiết, tập luyện thân thể, thiền… góp phần tích cực trong việc gìn giữ xuân sắc.
Từ năm 2000, ngành Phẫu thuật Thẩm mỹ bùng nổ về con số các phẫu thuật cũng như tính phổ biến trong dân chúng. Những tiến bộ trong y khoa đã trở thành hiện thực những ước mơ ở những năm trước đó của Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ. Trong suốt 20 năm qua, con số các Phẫu thuật Thẩm mỹ Tạo hình được thực hiện trên toàn thế giới tăng đều đặn 21% năm.
Phẫu thuật chuyển đổi giới tính chẳng hạn là một minh chứng mạnh mẽ nhất cho sự thành công của Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ. Những người đẹp chuyển giới từ nam sang nữ xuất hiện trong những cuộc thi sắc đẹp đã cho thấy mức độ hoàn hảo của việc áp dụng đồng bộ các khả năng y khoa và ngoài y khoa trong việc biến đổi giới tính con người. Đó là sự phối hợp hài hòa, đỉnh cao giữa Phẫu thuật Tạo hình và Phẫu thuật Thẩm mỹ, giữa Phẫu thuật Thẩm mỹ và Thẩm mỹ nội khoa, giữa ngoại khoa và nội khoa (nội tiết, dinh dưỡng…), giữa Y khoa và các ngành nghệ thuật khác.
Với sự giúp sức của các phương tiện truyền thông, những kiến thức về phẫu thuật Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ đến với mọi nhà một cách dễ dàng. Người dân hiểu về Phẫu thuật Thẩm mỹ nhiều hơn và những nghi ngại về Phẫu thuật Thẩm mỹ đã phần lớn được giải tỏa.
Trong thế kỷ 21, tiến bộ lớn nhất của ngành Phẫu thuật Thẩm mỹ là sự thay đổi quan niệm của mọi người về Phẫu thuật Thẩm mỹ, đó là sự giác ngộ thực sự về quyền tự quyết định, kiểm soát bản thân. Khác biệt rõ nhất của bệnh nhân ngày nay so với hồi cuối thế kỷ 19 là họ ít che giấu và dễ dàng công nhận kết quả các phẫu thuật hơn.
Tạo dựng cho con người có một ngoại hình đúng mực, đẹp cần một chiến lược đúng đắn, thực hiện kiên trì ngay từ khi còn trong bào thai. Đầu tư cho ngoại hình cũng quan trọng như đầu tư cho những khả năng khác của con người (văn chương, vi tính, ngoại ngữ, võ thuật…) để họ dễ hội nhập, hữu ích và thành công hơn trong xã hội. Ngoại hình, sắc vóc là phương tiện, không phải là cứu cánh của một đời người. Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ có tính quyết định, không thế thay thế trong việc bảo đảm, tôn tạo ngoại hình của con người.
Phạm vi của phẫu thuật tạo hình
Phạm vi đầu tiên của phẫu thuật tạo hình là những phẫu thuật liên quan tới việc chữa các khuyết hổng ở da và mô mềm che phủ cơ thể (mỡ, cân cơ, mạch máu, thần kinh) gây ra do bệnh lý tại các cơ quan này. Phẫu thuật tạo hình dùng nhiều kỹ thuật khác nhau, nhằm tái tạo (phần mô bị mất) hay sửa chữa (phần mô biến dạng) cả về hình thái và chức năng của da và mô mềm. Các bệnh lý thường gặp là bỏng và các di chứng bỏng, nhiễm trùng, thiếu máu hay do bất cứ nguyên nhân nào.
Phạm vi thứ hai của phẫu thuật tạo hình là tái lập sự toàn vẹn của da và mô mềm hay cả mô xương – sau khi cắt bỏ khối u ở da, u bẩm sinh hay mắc phải, lành tính hay ác tính, trên toàn cơ thể.
Phạm vi thứ ba là các phẫu thuật bù đắp các khuyết hổng da và mô mềm sau chấn thương, thường do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, hoặc di chứng do điều trị gây ra (xạ trị, hoặc trị liệu, phẫu thuật…)
Cũng có thể xếp các bệnh lý hay chấn thương bàn tay vào nhóm bệnh này của Phẫu thuật tạo hình. Các phẫu thuật này thường được kết hợp với các bác sĩ chấn thương chỉnh hình, hay do bác sỹ phẫu thuật tạo hình độc lập thực hiện (ngành phẫu thuật bàn tay).
Phạm vi thứ tư là những dị tật bất thường bên ngoài của cơ thể như dị tật sọ mặt, dị tật mặt, dị tật bàn tay, bàn chân, dị tật cơ quan sinh dục ngoài… đây là nhóm bệnh lý chủ yếu ở trẻ em. Thời gian can thiệp có thể trước sinh, sơ sinh hay trước tuổi đi học…
Và Phẫu thuật thẩm mỹ: bao gồm các can thiệp nhằm hoàn thiện diện mạo bên ngoài cơ thể con người.
Phẫu thuật Thẩm mỹ phối hợp những phẫu thuật, thủ thuật, biện pháp của các ngành – Tai Mũi Họng, Mắt, phẫu thuật Hàm Mặt, phẫu thuật Da, Da Liễu, Phẫu thuật Tạo Hình với nghệ thuật để sửa chữa, cải thiện ngoại hình của con người cho gần với chuẩn của cái đẹp.
Chống lão hóa cũng là một phần việc quan trọng của ngành Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ. Loại phẫu thuật này thường được làm theo yêu cầu của bệnh nhân.
Phẫu thuật Tạo Hình phục hồi thân thể của con người về bình thường, Phẫu thuật Thẩm mỹ tôn tạo ngoại hình, diện mạo con người – nhiều khi hơn mức bình thường – về gần với cái đẹp lý tưởng.
Nhu cầu vô tận của nhân loại về cái đẹp, về sự trẻ trung của ngoại hình gần đây đã làm bùng nổ sự phát triển của các công nghệ làm trẻ đẹp. Phẫu thuật Thẩm mỹ, Phẫu thuật Thẩm mỹ ít xâm lấn, Thẩm mỹ nội khoa, Y học chống lão hóa…
Phân biệt Tạo Hình (Plastic surgery) và Tái tạo (Reconstructive Surgery)
Plastic có gốc từ Hy Lap (Greece) nghĩa là hình dạng (shape) nên “plastic surgery” mang ý tạo hình, lập lại hình dạng, cấu trúc giải phẫu.
“Reconstructive Surgery” phẫu thuật thực hiện nhằm tái lập những chức năng yếu kém (functional impairment) hay đã mất.
Thường dùng thuật ngữ “phẫu thuật phục hình tái tạo” (Plastic and Reconstructive) để diễn tả hai ý không thể tách rời: tạo hình cấu trúc giải phẫu để phục hồi chức năng.
Các phân ngành (sub-specialities) trong phẫu thuật tạo hình
Phẫu thuật Tạo hình là một chuyên khoa rất rộng. Trong chương trình đào tạo chuẩn quy định bởi The American Board of Plastic Surgery bao gồm các những phân ngành sau:
+ Phẫu thuật thẩm mỹ (Aesthetic or cosmetic surgery): chỉnh sửa, tôn tạo ngoại hình để đẹp hơn và chống lão hóa.
+ Phẫu thuật Tạo Hình cho Trẻ em (Pediatric plastic surgery).
+ Phẫu thuật sọ mặt (Craniofacial surgery): cũng chia làm hai nhánh: phẫu thuật sọ mặt cho người lớn và cho trẻ em (Pediatric craniofacial surgery). Phẫu thuật sọ mặt trẻ em chuyên điều trị những dị tật bẩm sinh mà việc điều trị cần phối hợp nhiều chuyên khoa như phẫu thuật đầu cổ, phẫu thuật hàm mặt, khoa bệnh lý phát âm…
+ Phẫu thuật bàn tay (Hand surgery): Chữa các chấn thương hay bệnh lý mạn tính của bàn tay và cổ tay, các dị tật bẩm sinh, bệnh lý dây thần kinh ngoại biên. Phẫu thuật bàn tay thường bao gồm luôn vi phẫu. Phẫu thuật bàn tay cũng nằm trong địa hạt của phẫu thuật chấn thương chỉnh hình nay ngoại khoa chung.
+ Vi Phẫu (Microsurgery).
+ Phẫu thuật điều trị di chứng bỏng (Burn surgery).